Tây Ninh là vùng đất thánh của đạo Cao Đài; cũng có nhiều người theo đạo Phật, ước lượng có hơn 50% người dân địa phương ăn chay kỳ hay chay trường. Đó là chưa nói đến hàng triệu khách hành hương hằng năm đến du lãm, chiêm bái ở vùng đất này và thưởng thức ẩm thực chay. Những ngày lễ hội của đạo Cao Đài như lễ Vía Đức Chí Tôn hay Hội yến Diêu Trì cung là những ngày lễ hội ăn chay hoành tráng với hàng ngàn, hàng vạn du khách thưởng thức những bữa ăn chay ở Toà thánh Tây Ninh.
Có thể nói tôn giáo, tín ngưỡng của người dân Tây Ninh đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nét văn hoá ẩm thực chay rất riêng, phong phú và đa dạng. Trong nghệ thuật chế biến các món chay, tay nghề của nghệ nhân nấu món chay ở Tây Ninh được đánh giá cao, tạo nên nét đặc sắc của văn hoá ẩm thực vùng đất Tây Ninh; tô điểm thêm nhiều sắc thái cho đời sống văn hoá của cộng đồng dân cư nơi đây.
Với giá trị tiêu biểu, nghệ thuật chế biến món ăn chay ở Tây Ninh được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia vào ngày 12.1.2022.
Món chay Tây Ninh tươi tắn nhiều sắc màu và đa dạng về nguyên liệu thể hiện sự trù phú, giàu có của vùng đất thánh; hương vị đậm đà thể hiện sự phóng khoáng, chân tình, hiếu khách của người Nam Bộ; cũng không thiếu sự tinh tế, tỉ mỉ ở những món sang trọng như cơm hạt sen, lẩu mắm chay, chả giò – bì cuốn chay, món nướng lá lốt, bắp cải cuộn, gỏi thập cẩm chay, cà ri chay… Dịp Tết Nguyên đán, mâm cỗ chay càng thể hiện sự thành tâm của con cháu đối với gia tiên, cầu mong cho gia đình bình an, hạnh phúc. Hơn thế, từ những món chay dân dã, người dân Tây Ninh đã nâng tầm món chay thành những đặc sản tinh tế, phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của du khách trong các nhà hàng chuyên biệt, cao cấp./.
Tham khảo lịch trình hành hương Tây Ninh 1 ngày chỉ từ 690k